Cuộc sống 4.0 / Quản lý tài chính cá nhân

Review thử vay tín chấp theo lương online và cái kết

Review thử vay tín chấp theo lương online và cái kết

Có nên vay tiêu dùng tín chấp online hay không? Vay nợ online có lừa đảo không? Nên vay tín chấp ở đâu uy tín? Những điều bạn cần biết trước khi vay tiền online?

Đợt tháng 06/2019 mình cần tiền để xoay một số việc cá nhân nên lúc đó mình suy nghĩ làm sao để có thể mượn nợ được . Ban đầu mình cũng tính là mượn bạn bè và gia đình, tuy nhiên số tiền mình cần lúc đó là khoảng 35 triệu tính ra là cũng không quá nhiều, nếu mượn mỗi người một ít thì thành ra mình sẽ có nhiều khoảng nợ lẻ tẻ, khó quản lý. Cộng thêm nếu mượn người thân sẽ không được linh hoạt cho lắm vì người có người không, thành ra nhiều khi mình mượn tùm lum nhưng vẫn không đủ khoảng mình cần. Vì vậy mình lên mạng tìm hiểu vay tiền không cần thế chấp tài sản thông qua một công ty tài chính hoặc ngân hàng để gom khoản nợ thành một chỗ và có thể dễ dàng trả góp hàng tháng.

1. Tìm hiểu các dạng vay tiêu dùng tín chấp online đang có trên thị trường

Sau khi phát sinh nhu cầu, mình lên mạng tìm hiểu và search khá nhiều thì mình thấy có ba dạng vay hiện có trên thị trường:

Vay nhanh qua app nhận tiền ngay dưới 30p như Cashwagon, Robocash… thường là những khoảng vay nóng dưới 10 triệu phải hoàn trả toàn bộ sau 14 đến 30 ngày. Lãi suất của những khoảng vay nóng này là khoảng 10%/lần vay.

Vay nhanh dưới 24h thông qua các công ty tài chính như Fe Credit, Home Credit, … . Bạn có thể vay tiêu dùng lên tới 70 triệu/lần tùy vào điều kiện thu nhập của bạn. Những công ty này đưa ra những điều kiện vay vô cùng đơn giản không cần thế chấp tài sản như vay trả góp bằng sim do bạn đứng tên, vay theo lương chuyển khoản hoặc vay theo hóa đơn tiền điện, bằng lái xe,…

Vay tín chấp tiêu dùng online thông qua các ngân hàng, thời gian duyệt hồ sơ và giải ngân online là dưới 7 ngày, thông thường 3-4 ngày là bạn đã có tiền rồi. Bạn có thể vay tiêu dùng lên tới 100 triệu/lần tùy vào điều kiện thu nhập. Khi vay qua ngân hàng thì họ cũng yêu cầu nhiều điều kiện cao và phức tạp hơn như chứng minh thu nhập tài chính, kiểm định chỗ ở, chỗ làm,….

2. Có nên vay tiêu dùng tín chấp online hay không?

Sau khi tìm hiểu khá nhiều thì mình cũng khá băn khoăn mượn nợ như vậy có ổn không vì mình thấy lãi suất khá cao đa phần từ 30%/năm trở lên đối với những khoảng vay lớn. Mình cũng lo sẽ phát sinh tùm lum phí đội số tiền gốc và lãi lên rất cao. Vì thế để rõ hơn mình có hỏi qua nhỏ bạn đang làm trong ngân hàng để xem có nên vay tiêu dùng tín chấp hay không?

Dưới đây là đoạn chat giữa mình và nhỏ bạn.

*Tóm tắt lại những thông tin mình có được sau đoạn hội thoại với bạn mình:

– Bạn mình khuyến khích không nên vay bất kì loại vay tín chấp tiêu dùng nào vì lãi suất rất cao và có khá nhiều phí đi kèm. Trong trường hợp bạn vay tiêu dùng như vậy nếu có quên không đóng 1 tháng hay đóng trễ thì bạn sẽ có lịch sử vay xấu dẫn đến khó mượn những khoản lớn hơn từ ngân hàng sau này.

– Nếu kẹt quá cần phải xoay thì nên cố gắng vay được trong ngân hàng vì nó vẫn sẽ uy tín và đảm bảo hơn so với vay nhanh bên ngoài. Tuy nhiên nếu hồ sơ bạn không đủ điều kiện vay ngân hàng thì bạn sẽ ở trong tình thế chỉ có thể vay các bên công ty tài chính hoặc vay nóng với lãi suất cao.

Chung quy lại nếu bạn đã vào thế phải đi mượn nợ để xoay tiêu dùng ở ngân hàng hay các công ty tài chính đi chăng nữa thì sẽ luôn phải trả lãi suất rất cao. Mặc dù bạn biết lãi suất cao như vậy nhưng cũng ráng mượn vì đã vào thế cần tiền và không có nhiều sự lựa chọn

Kết luận: Bạn mình rút ra rằng mình có thể vay bên nào cũng được nhưng quan trọng là phải xem xét kĩ lãi suất và các khoản phí đi kèm của nhiều bên trước khi quyết định vay và chắc chắn phải trả nợ đúng hạn để không bị nợ xấu.

3. Chia sẻ quá trình vay tín chấp online của mình

Mình có thử xem qua các bên đơn vị tài chính thì thấy lãi suất cũng không chênh lệch quá nhiều so với ngân hàng. Nhưng do nghe vay bên ngân hàng vẫn tạo cho mình cảm giác yên tâm hơn nên mình quyết định nghiên cứu chọn bên ngân hàng.

Sau khi đã tham khảo nhiều dịch vụ cho vay tín chấp của ngân hàng thì mình để lại thông tin tư vấn thông qua form online của những ngân hàng mà điều kiện mình phù hợp

Mình tiếp nhận tư vấn vay của bên ngân hàng VP Bank, OCB, Shinhan Bank thì cuối cùng mình đã chọn vay bên OCB vì họ có thể cho mình vay được số tiền mình đang cần. Ngoài các ngân hàng mình để cập trên, bạn có thể tham khảo thêm các ngân hàng VIB, SHB Finance, …

Quy trình kiểm duyệt hồ sơ của ngân hàng cũng khá nhiều công đoạn tuy nhiên hầu hết mọi thủ tục mình đều làm online hầu như không phải đến ngân hàng.

3.1 Những bước cần làm để vay tiêu dùng tín chấp từ ngân hàng

– Nhận tư vấn từ ngân hàng về khoảng tiền có thể vay dựa theo lương chuyển khoản hàng tháng.

– Chuẩn bị Hộ khẩu, Hợp đồng lao động, Bảng sao kê lương, Bảo hiểm y tế, Chứng minh nhân dân.

– Chụp hình tất cả hồ sơ đó gửi online qua Zalo cho nhân viên tư vấn vay.

– Ngân hàng gọi điện xác nhận thông tin khoảng vay và thông tin người vay

– Gọi điện thoại xác nhận hai người thân theo số mình đăng kí

– Nhân viên kiểm định đến chỗ mình ở kí hợp đồng, chụp hình lại tất cả hồ sơ, chụp hình xác nhận địa chỉ nhà, chụp hình quy trình kí hợp đồng và ghi âm xác nhận thông tin một lần nữa.

– Duyệt hồ sơ và chuyển khoản số tiền vay qua tài khoản ngân hàng mình đăng kí

Tất cả những thủ tục trên chỉ diễn ra trong khoảng 4 ngày là mình nhận được khoản vay mà không cần phải đến ngân hàng. Mọi thứ chỉ gửi qua online và kiểm định tại nhà.

3.2 Làm sao biết được lãi suất khoản vay cao hay thấp?

Trong quá trình tham khảo thông tin để vay tiêu dùng online, mình thấy họ thường dùng những thuật ngữ ngân hàng khiến mình cảm thấy bị rối não, làm khó phán đoán, đặc biệt khi bạn được tư vấn qua điện thoại. Chẳng hạn như “lãi suất trên dư nợ gốc”“lãi suất trên dư nợ giảm dần” hai thuật ngữ này sẽ làm bạn khá bối rối khi nghe tư vấn nhưng về bản chất số tiền lãi của nó tính ra là bằng nhau.

Bên cạnh đó, nếu vay online bạn sẽ nhận tư vấn qua điện thoại và lúc này bạn khá dễ bị bẫy thông tin vì cuộc trao đổi diễn ra khá nhanh và những thông số về lãi suất bạn không kịp tính toán trong đầu. Lúc này bạn nên trả lời sau để có thời gian tính toán lại lãi suất và các khoản phí. Sau đó bạn có thể trao đổi kỹ hơn với nhân viên tư vấn về vấn đề chưa rõ để họ có thể giải thích kĩ hơn cho bạn, tránh để chuốc bực về sau khi quyết định kí hợp đồng vay.

Theo như mình đọc các báo tài chính thì các chuyện gia cho rằng lãi suất cho vay tiêu dùng từ 20-25%/năm là cao, trên 30%/ năm là khá cao, trên 40%/năm là rất cao và nếu bạn phải vay với mức lãi suất trên 50%/năm là “cắt cổ”. Còn những khoản vay lãi suất lên đến 70-80%/năm có thể xem là tín dụng đen.

Ở trường hợp của mình thì mình vay ngân hàng OCB với lãi suất 38%/năm trả theo dư nợ giảm dần. Mức này đã thuộc dạng khá cao khi bạn vay ở ngân hàng chứ không nằm ở mức thấp. Tuy nhiên như mình đã đề cập thì khi bạn đang ở thế kẹt tiền thì dù biết vay lãi cao bạn cũng bấm bụng vay. Tuy nhiên nếu như lãi suất cao quá 40% thì bạn nên xem xét lại nhé!

3.3 Những khoản phí đi kèm khi vay tiêu dùng cần phải biết

– Phí bảo hiểm vay (đơn vị bảo hiểm sẽ đứng ra trả nợ cho bạn trong trường hợp bạn không có khả năng chi trả vì nhiều lí do)

– Phí thanh toán khoản vay trước hạn dao động từ 2-5% dựa theo dư nợ còn lại.

Để làm rõ 2 loại phí trên, bạn có thể xem qua số tiền ngân hàng OCB thông báo cho mình vay và số tiền mình thực nhận được qua hình chụp màn hình bên dưới:

Bạn có thể thấy ngân hàng OCB gửi tin nhắn báo mình là họ giải ngân khoản vay cho mình là 36,925,000 triệu đồng tuy nhiên tài khoản của mình chỉ thực nhận được là 34,729,000 triệu đồng. Số tiền bị hụt khoản 2,196,000 triệu đồng thì đó là khoản tiền họ trừ vào phí bảo hiểm vay và khoản này bạn bắt buộc phải đóng.

Kết lại thì tổng số nợ mình phải trả cho họ bao gồm nợ gốc (36,925,000đ) + lãi suất 38%/năm= 53 triệu đồng cho tổng thời hạn trả góp là 24 tháng

Tuy nhiên mình chỉ trả góp khoản vay trong vòng 6 tháng thì mình gom được tiền và quyết định thanh toán trước hạn khoản vay.

Bên ngân hàng họ báo mình phí thanh toán trước hạn là 3% tính trên dư nợ giảm dần còn lại. Khi mình thanh toán trước hạn thì tổng số tiền (bao gồm khoản đã trả góp) mình phải trả cho ngân hàng là 46 triệu < 53 triệu so với kéo dài trả góp trong 24 tháng. Như vậy mình tiết kiệm được 7 triệu khi thanh toán khoản vay trước hạn.

4. Tổng kết

Để tránh những rắc rối và chuốc phải bực bội, trước khi ký hợp đồng bạn nên nghiên cứu kĩ các điều khoản trong đó đặc biệt lưu ý tới mức phí tất toán trước hạn, phí nợ quá hạn phí thanh toán trễ.

Quan trọng, có 6 vấn đề mấu chốt trong hợp đồng mà người vay cần đặc biệt lưu ý gồm:

– Số tiền vay – cách thức giải ngân

– Mức tiền trả góp hàng tháng

Lãi suất tiền vay, phương thức tính toán thu lãi tiền vay

Phí phạt chậm trả,

Phí phải trả khi tất toán hợp đồng vay trước thời hạn.

Hi vọng với những chia sẻ về câu chuyện thực tế của mình có thể giúp bạn có cái nhìn rõ nét và xem xét kỹ lưỡng hơn khi đưa ra quyết định vay tiêu dùng tín chấp online.

Chia sẻ bài viết

Leave a Reply