Phát triển bản thân / Review sách

Làm sao để sống cân bằng tình yêu, sự nghiệp, gia đình?

Làm sao để sống cân bằng tình yêu, sự nghiệp, gia đình?

Ở lưng chừng của tuổi 25, mình bắt đầu ngẫm lại những gì mình đã học được thông qua những va vấp đầu đời và mình cảm thấy trăn trở khi suy nghĩ về tương lai phía trước:

Mình muốn trở thành người như thế nào trong tương lai?

Mình muốn có một cuộc sống thế nào?

Thế nào là một cuộc sống thành công viên mãn?

1. Đi tìm câu trả lời từ cuộc sống quanh mình

Mình đã chứng kiến và nghe nhiều câu chuyện về cuộc sống của những người thân thuộc xung quanh khiến mình phải suy nghĩ.

Mình có một chị sếp cũ rất xinh đẹp và tài giỏi. Chị có khiếu ăn nói, nấu ăn ngon và nhiều tài lẻ.

Chị va vấp nhiều và thành công cũng nhiều. Thời trẻ chị yêu cũng nhiều và cũng rất đậm sâu.

Tuy nhiên mình cảm thấy chị có nhiều sự bất an vì ngoài 30 rồi chị vẫn chưa có chồng. Mặc dù ngoài mặt chị vẫn cố tỏ ra mình ổn và không quan tâm đến áp lực xã hội.

Hay những đứa bạn bằng tuổi mình, vừa ra trường đi làm 1 năm thì đã lấy chồng. Dù cho họ còn nhiều những băn khoăn về bản thân, về sự nghiệp, về tương lai phía trước.

Có người thì rất hạnh phúc, có người thì vừa cưới nhau dăm ba tháng rồi bỏ nhau cặp kè người mới.

Ngẫm lại, mình bắt gặp được suy nghĩ trong đầu mình thở dài: “được cái này mất cái kia”, “không ai có được tất cả mọi thứ”.

Rồi mình bất chợt ngưng lại và nhận ra rằng luôn có một quan điểm “được cái này mất cái kia” ăn sâu vào tiềm thức xã hội chúng ta chứ không riêng gì mình.

Theo quan điểm đó, nghĩa là nếu như bạn muốn có sự thành công tột bậc trong sự nghiệp thì bạn phải hy sinh mất mát một trong các lĩnh vực gia đình, tình yêu hay sức khỏe?

Hoặc ngược lại bạn muốn một tình yêu, gia đình hạnh phúc thì bạn phải hy sinh sự nghiệp, mong ước cá nhân?

Mình thật cảm thấy không thích quan điểm tư duy đó chút nào.

Mình muốn có một cuộc sống hạnh phúc có thể cân bằng được những vai trò trong cuộc sống.

Ở đó mình được làm những thứ mình đam mê, tài chính thì dồi dào, một gia đình hạnh phúc, những đứa con ngoan ngoãn,….

Tại sao chỉ có 2 lựa chọn “được” và “mất” mà không có lựa chọn thứ 3 là được tất cả?

Vì vậy mình tự hỏi chân dung một người thành công trong cuộc sống là như thế nào?

Họ suy nghĩ và hành động như thế nào để đạt được cuộc sống đáng mơ ước đó?

2. Khi cuộc sống không có câu trả lời mình đi tìm đến sách

Mình chợt nhớ lại quyển sách 7 thói quen hiệu quả của Stephen R.Covey (bản dịch cũ là 7 thói quen để thành đạt).

Đây là quyển sách mà mình đã đọc nhiều năm về trước nói về tầm quan trọng của thói quen sẽ ảnh hưởng đến cuộc đời của mỗi người như thế nào.

Người thành đạt và người bình thường giống nhau ở chỗ tất cả họ đều vận hành cuộc sống bằng thói quen.

Tuy nhiên người thành đạt có cuộc sống đầy cân bằng và hạnh phúc hơn những người bình thường bởi vì họ có những thói quen tốt về tư duy giúp họ đạt được cuộc sống đó.

*Đôi nét review về sách 7 thói quen hiệu quả (Stephen R.Covey)

7 thói quen để hiệu quả của Stephen R.Covey là một trong những quyển sách phát triển bản thân đầu tiên mình sở hữu.

Nó được đánh giá là dòng sách self-help kinh điển và tạo lập nền tảng vững chắc cho bất kì ai đi trên con đường phát triển bản thân.

Quyển sách 7 thói quen để hiệu quả đó nằm trên kệ sách của mình cũng đã lâu và mình hầu như quên tất cả những chi tiết trong quyển sách ấy.

Vì vậy sau những trăn trở của tuổi 25 mình quyết định phủi bụi quyển sách ấy để đọc lại một lần nữa.

Sách phân tích về những 7 thói quen về tư duy của người thành đạt mà họ thường có trong đời sống hàng ngày để tạo lập một cuộc sống tốt đẹp.

Trong đó thói quen 1,2,3 để tạo lập thành tích cá nhân (làm chủ bản thân) cũng là nền tảng cho 3 thói quen tiếp theo 4,5,6 để tạo lập thành tích tập thể.

Thói quen thứ 7 là tư duy của người thành đạt trong một cuộc sống thay đổi không ngừng.

Quyển sách này khá dày khoảng gần 500 trang nên mình sẽ không thể review hết.

Vì vậy mình chỉ chia sẻ 3 thói quen tạo nên thành tích cá nhân vô cùng quan trọng được đề cập trong quyển sách đã giúp mình giải đáp những trăn trở mà mình vừa chia sẻ với bạn ở trên.

2.1 Thói quen #1: Sống kiểu kiến tạo

Ngạn ngữ có câu:

“Gieo suy nghĩ, gặt hành động; gieo hành động, gặt thói quen;

Gieo thói quen; gặt tính cách; gieo tính cách, gặt số phận”

Cuộc sống của bạn là sự phản ánh của một hệ tư tưởng (mindset) đã được lập trình bên trong đầu bạn.

Những suy nghĩ đang xảy ra bên trong đầu bạn nó sẽ phản ánh ra thế giới bên ngoài bằng hành động và ảnh hưởng đến cuộc sống của bạn.

Nếu muốn thay đổi cuộc sống của mình, bạn phải soi rọi lại những yếu tố, vấn đề đang diễn ra bên trong bạn và cài đặt một hệ tư tưởng mới để nó vận hành khác đi.

Thói quen sống kiểu kiến tạo giúp bạn nhận thức được vai trò bạn là người lập trình trong cuộc sống của bạn (bạn chính là người tạo ra nó). Cuộc sống bạn bất hạnh hay hạnh phúc là do chính bạn tạo ra nó.

Đến đây bạn có thể nghĩ có ai mà muốn họ có một cuộc sống bất hạnh cơ chứ? Ai mà không mưu cầu hạnh phúc?

Họ luôn cầu mong hạnh phúc ấm no mỗi ngày tại sao họ vẫn khổ?

Có những trường hợp như họ sinh ra từ nhỏ trong một gia đình bất hạnh và nghèo khổ, họ đâu có tạo ra hay kiểm soát được chuyện đó?

Nắm bắt được tâm lý đó, tác giả Stephen R. Covey đưa ra khái niệm Vòng tròn Ảnh hưởng và Vòng tròn Quan Tâm

Vòng tròn Quan tâm là những thứ có thể nằm ngoài tầm kiểm soát hoặc nằm trong kiểm soát của ta.

Bên cạnh đó, Vòng tròn Ảnh hưởng là những gì ta có thể hoàn toàn kiểm soát được.

Ví dụ bạn có cuộc sống nghèo khổ hay luôn gặp khó khăn về tài chính.

Nếu bạn là người bị động để cuộc đời xô đẩy, bạn sẽ đổ lỗi là do hoàn cảnh cha mẹ bạn nghèo khổ, bạn không được ai giúp đỡ về tiền bạc để cuộc sống khấm khá hơn….

Thì khi đó bạn từ bỏ quyền kiểm soát cuộc đòi bạn bằng việc đổ lỗi và an phận thủ thường.

Tuy nhiên với những người có thói quen chủ động họ sẽ nhận thức ra được là họ thừa hưởng mindset nghèo khổ từ cha mẹ họ (vòng tròn quan tâm không kiểm soát được).

Và họ không muốn tiếp tục cuộc sống như vậy và muốn thay đổi nó.

Vì vậy họ chủ động hướng đến cái họ có thể kiểm soát được (vòng tròn ảnh hưởng) đó là tìm cách học tập mindset của người giàu có thông qua sách vở (Sách Cha giàu Cha nghèo, Nghĩ và Làm giàu,…).

Hoặc bước ra khỏi vùng an toàn, trải nghiệm nhiều hơn để thay đổi số phận (Sách Tony Buổi Sáng).

Vì vậy nếu bạn muốn sống một cuộc đời mình khác đi, nhưng vẫn ăn nằm với những tư duy và thói quen cũ ngày qua ngày thì làm sao nó có được một kết quả tốt đẹp như bạn hằng mong muốn?

Đối sánh với trường hợp của mình đã nêu ở đầu bài chia sẻ, mình nhận ra rằng mình muốn sống một cuộc sống cân bằng, hạnh phúc và thịnh vượng.

Mình không muốn một cuộc sống “được cái này mất cái kia” nên mình đã chủ động tìm kiếm những hướng dẫn từ nhiều nguồn khác nhau để so sánh đối chiếu và tìm ra hướng đi cho riêng mình.

Kết luận lại nếu chúng ta muốn cuộc sống của mình trở nên tốt đẹp như mình mong muốn thì chúng ta phải chủ động tìm kiếm những phương án để thực thi niềm khao khát đó của chúng ta và đừng để cuộc đời xô đẩy.

2.2 Thói quen #2: Bắt đầu bằng đích đến

Tác giả Stephen R.Covey đã đưa ra một câu hỏi mở đề cho thói quen thứ #2 rất ấn tượng khiến mình phải suy nghĩ:

“Có bao nhiêu người trước khi trút hơi thở cuối cùng muốn có thêm thời gian làm việc hay xem ti-vi?

Câu trả lời là chẳng có ai cả. Lúc đó họ chỉ nghĩ về người thân, gia đình và cả những người mà họ hết lòng phụng sự”

Sau khi đọc được phân tích về thói quen thứ #2 mình hoàn toàn hiểu được tại sao phần đông chúng ta bị ảnh hưởng bởi “chủ nghĩa hy sinh”, “được cái này mất cái kia” đến vậy.

Thói quen này chỉ ra rằng cách chúng ta đặt trọng tâm cuộc sống sẽ ảnh hưởng đến cuộc đời của chúng ta ra sao:

– Nếu bạn đặt trọng tâm là tình yêu thì cả cuộc sống của bạn sẽ chỉ xoay quanh bạn trai/bạn gái của bạn mà bỏ rơi các mối quan tâm lớn khác như sự nghiệp,bạn bè, gia đình,…

Đến một ngày họ chán và bỏ rơi bạn thì bạn cảm thấy cuộc sống mình như mất hết tất cả vì bạn đã đầu tư thời gian và giá trị của mình sai chỗ.

– Nếu bạn đặt trọng tâm là sự nghiệp thì bạn sẽ dành phần lớn thời gian của bạn để làm việc mà bất chấp sức khỏe, hy sinh các mối quan hệ tình cảm, gia đình hoặc bỏ bê không có thời gian quan tâm con cái…

Đến khi bạn có sự nghiệp, tiền tài thì bạn cũng không còn sức khỏe và dùng hết số tiền đó để chạy chữa bệnh hay gia đình tan vỡ có tiền cũng không hàn gắn được hôn nhân hạnh phúc,….

– Nếu bạn đặt trọng tâm là gia đình thì tất cả mọi quyết định trong cuộc sống bạn sẽ đều xoay quanh gia đình.

Điển hình như “Mình học xong sẽ về quê làm vì ba mẹ mình muốn như vậy”, “Mình không theo đuổi sở thích kinh doanh được vì ba mẹ mình muốn mình làm nhà nước cho nở mày nở mặt”, ….

Bạn không được sống cuộc đời của bạn, theo đuổi những thứ bạn yêu thích vì bạn không muốn cha mẹ bạn phải buồn, phải xấu hổ về bạn.

……..

Mình và bạn sẽ đâu đó nhận ra rằng ai trong chúng ta đều đặt trọng tâm cuộc sống luôn thiên về một vai trò nào đó như sự nghiệp, gia đình, tình yêu, tiền bạc,… mà khó lòng cân bằng được tất cả mọi thứ.

Bởi vậy chúng ta mặc định chấp nhận sống một cuộc đời hy sinh được cái này mất cái kia nhưng ít ai tự vấn tìm cách để cân bằng mọi vai trò trong cuộc sống (Thói quen #1 Luôn chủ động).

Hoặc có thể chúng ta có nghĩ đến nhưng chúng ta lại bị số đông kéo lại thực tại bằng những lời khuyên, sự dè biểu: “Đừng có mà sống tham lam như vậy”, “Ông trời không cho ai tất cả mọi thứ đâu”, “Được cái này mất cái kia mày ơi”….

Như mình đã chia sẻ mình không hề muốn chấp nhận tư duy đó chút nào.

Và ơn trời ở thói quen thứ #2 này, tác giả sách 7 thói quen để thành đạt đã đưa một giải pháp giúp chúng ta có thể cân bằng được cuộc sống mình mong muốn bằng hình vẽ minh họa cụ thể dưới đây.

Lấy NGUYÊN TẮC làm trọng tâm cuộc sống là cách những người thành đạt thuộc số ít trong xã hội vận dụng để thiết lập cuộc đời của họ.

Những nguyên tắc này là những quy luật hiển nhiên, đặc tính đúng đắn có giá trị bền vững mà không bị thay đổi bởi các tác động nào.

Đa phần số đông chúng ta đều lấy VAI TRÒ làm trọng tâm (những vai trò này không có tính bất biến) nên chính vì thế mà chúng ta phải chấp nhận sống một cuộc đời “hy sinh”

Vì vậy bạn hãy cẩn thận với những mục tiêu mà bạn đặt ra trong tương lai.

Bạn hãy thử rà soát lại các mục tiêu của mình xem nó có đổ dồn về một vài trò nào đó trong cuộc sống hay không? Chính những mục tiêu đó sẽ chính là tương lai và cuộc đời của bạn.

Với nội dung bài chia sẻ này mình khó lòng mà giải thích và hướng dẫn bạn tìm ra được NGUYÊN TẮC SỐNG phù hợp cho từng cá nhân.

Vì vậy mình khuyến khích bạn nên đọc quyển sách 7 thói quen hiệu quả của Stephen R.Covey để hiểu được cặn kẽ hơn những khái niệm về Nguyên tắc và cách thiết lập nó để tạo lập một cuộc sống hạnh phúc, viên mãn.

2.3 Thói quen #3: Ưu tiên cho những điều quan trọng nhất

thói quen #1 Sống kiểu kiến tạo giúp bạn có tầm nhìn về cá nhân rằng bạn là người lập trình cuộc đời bạn.

Thói quen thứ #2 giúp bạn suy nghĩ và sáng tạo về mục tiêu cuộc sống cân bằng và thịnh vượng.

Thói quen thứ #3 ưu tiên cho những điều quan trọng nhất giúp bạn hành động bằng việc quản trị thời gian để triển khai các mục tiêu đó.

Trong quyển sách 7 thói quen hiệu quả, tác giả đưa ra bảng Ma trận Quản trị Thời gian giúp định vị mức độ quan trọng của công việc trong cuộc sống hằng ngày của chúng ta.

Phần đông chúng ta không làm chủ được bản thân và để dòng đời xô đẩy cuốn vào những hoạt động không quan trọng chiếm rất nhiều thời gian.

Chẳng hạn như Facebook, Tiktok, tán dốc hoặc làm những việc lặt vặt không phục vụ cho mục tiêu dài hạn.

Hoặc giả như chúng ta làm những việc bản thân tự cho là quan trọng thì thường rơi vào tình trạng khẩn cấp như deadline dí tới đít, sự cố kỹ thuật, khủng hoàng truyền thông,….

Những người thành đạt khác số đông, họ dành thời gian tập trung vào công việc ở góc phần tư thứ II.

Đây là những hoạt động phục vụ cho mục tiêu dài hạn giúp cho cuộc sống chúng ta tốt đẹp hơn, chúng quan trọng nhưng không khẩn cấp.

Vì góc phần tư thứ II giúp họ đạt được mục tiêu trong tương lai nên cũng giảm thiểu rủi ro của góc phần tư thứ I và không bị stress vì bị khủng hoàng triền miên.

Khi nhận biết đâu là những công việc có đóng góp quan trọng trong quá trình theo đuổi mục tiêu bạn sẽ biết cách thu xếp thời gian ưu tiên để làm những công việc đó.

Bạn sẽ không còn ngồi than thở “mình có quá nhiều việc (không quan trọng) và không có thời gian để làm!”

Sau khi đọc xong thói quen thứ #3 này mình liền thực hành lên kế hoạch công việc theo tuần (theo đề xuất của quyển sách)

Theo đó mình ưu tiên công việc quan trọng mình cần làm mỗi tuần theo từng vai trò để đạt được mục tiêu dài hạn.

Mình cảm nhận được sự kiểm soát rõ rệt trong các công việc mình cần làm và cũng hoàn thành được nó nhiều hơn so với việc lên kế hoạch một ngày làm việc trước đây của mình.

Lập plan tuần giúp mình có cái nhìn tổng quát hơn về những thứ mình cần làm và phân phối thời gian hợp lí hơn cho những vai trò khác nhau trong cuộc sống của mình

3. Lời kết

Quyển sách 7 thói quen hiệu quả của Stephen R.Covey thật sự phù hợp với những bạn đã đi làm và có nhiều sự va vấp trong cuộc sống hơn là những bạn trẻ mới ra trường hay còn trên ghế giảng đường.

Mình đọc quyển sách này lần đầu ở độ tuổi 20, 21 khi mình chưa có nhiều sự va chạm ở môi trường làm việc và vẫn còn nhiều bình yên ở cuộc sống giảng đường.

Vì vậy mình đọc không cảm được nhiều và thấy nhiều diễn biến tâm lý không kết nối được với đời sống lúc đó của mình.

Tuy nhiên sau 3-4 năm đi làm và đọc lại quyển sách ấy thì mình nhận ra cả một bầu trời chân lý mà khi đã có những trải nghiệm cuộc sống nhất định mình mới có thể hiểu tường tận được nó.

Hi vọng với bài chia sẻ trên bạn có thể tìm được những thông tin hữu ích cho bản thân. Nếu bạn muốn đào sâu và tìm hiểu nhiều hơn nữa thì bạn có thể đặt mua quyển sách tại đây về ngâm cứu nha!

Chia sẻ bài viết

Leave a Reply